1. Thực trạng giao thông vận tải khi Bạc Liêu tái lập năm 1997:
a/. Về đường bộ:
Khi tỉnh được tái lập, thì tổng chiều dài đường do địa phương quản lý (gồm đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và đường GTNT) chỉ có 161km đường kiên cố các loại. Trong đó: 44km đường nhựa; 68km đường đá dăm và đất đỏ miền Đông; 24km đường đá cấp phối; 25 km đường bê tông xi măng; còn lại phần lớn là đường đất đen với chiều dài 907km. Đến năm 1997 tỉnh Bạc Liêu chưa có mặt đường bê tông nhựa (kể cả đường đô thị). Các tuyến đường tỉnh có mặt đường rộng 3,5m; các cầu đều có tải trọng thấp (≤ 8 Tấn).
Cả tỉnh có 11/37 xã (đạt 29,7%) và 3/6 thị trấn Huyện lỵ (đạt 50%) có đường kiên cố cho xe bốn bánh đi đến trung tâm xã, thị trấn (chủ yếu là các Huyện, Xã, Thị trấn nằm dọc theo Quốc lộ IA). Chỉ có 140/459 ấp (đạt 30,5%) có lộ GTNT ấp liền ấp đi qua. Lưu thông đi lại của người dân bằng đường bộ rất khó khăn, việc vận chuyển hàng hoá và hành khách chủ yếu bằng đường thủy.
b/. Về đường thủy:
Trong tỉnh có 23 tuyến đường sông với tổng chiều dài 608km, trong đó có 03 tuyến kinh với tổng chiều dài (từ cấp I đến cấp III) dài 130km do Bộ GTVT quản lý (gồm Quản Lộ - Phụng Hiệp, kinh Vàm Lẻo - Bạc Liêu - Cà Mau và kinh Hộ Phòng - Gành Hào). Ngoài ra, còn có sông Gành Hào chung cho hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau dài 51km và một đoạn kênh Ngã ba Đình nối kênh Chắc Băng giáp tỉnh Kiên Giang dài 11km (đoạn qua Ngã ba Đình, xã Vĩnh Lộc A, Hồng Dân ).
Tuy nhiên, các tuyến kinh vận tải đã bị bồi lắng, nghiêm trọng nhất là tuyến kinh Bạc Liêu – Cà Mau.
c/. Về bến bãi vận tải:
Bạc Liêu có các bến xe khách liên tỉnh là bến xe Bạc Liêu, bến xe Hộ Phòng, 01 bến tàu Hộ Phòng, bến tàu Chủ Chí, bến tàu Láng Trâm và bến tàu Gành Hào. Các bến xe tàu này còn tạm bợ, chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GTVT.
2. Kết quả về phát triển giao thông vận tải giai đoạn 1997-2011 :
a/. Về xây dựng cơ bản:
Sau khi Tỉnh được tái lập, Ngành đã tiến hành lập quy hoạch phát triển GTVT, quy hoạch phát triển giao thông nông thôn các huyện thị và quy hoạch phát triển giao thông đường thủy.
Từ năm 1997 – 2011, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng đựợc 2.998km đường kiên cố các loại (trong đó: đường tỉnh 272km, đường huyện 195km, đường đô thị 91km, đường GTNT 2.440km), tăng 18,7 lần so với năm 1997. Chia theo loại đường có: 113km đường Bê tông nhựa (BTN), 1.330km đường tráng nhựa, 1.455km đường Bê tông xi măng (BTXM), 90km đường cấp phối.
* Các công trình tiêu biểu đã được đưa vào khai thác, sử dụng như:
Các tuyến đường nội ô Thành phố Bạc Liêu hầu hết được nâng cấp bằng bê tông nhựa, trong đó có các đường trục quan trọng như đường Hiệp Thành - Xiêm Cán, đường Cao Văn Lầu, đường Trần Phú, đường Trần Huỳnh, đường Hòa Bình, Võ Thị Sáu,…và xây dựng mới các cầu trung và lớn như cầu Nhà Mát, cầu Trường Sơn, cầu Xáng, cầu Kè, cầu Bạc Liêu 2 (cầu Tôn Đức Thắng), cầu Bạc Liêu 3 (cầu Bạc Liêu),. .
Hoàn thành đưa vào khai thác một số công trình quan trọng như: Giá Rai – Gành Hào (giai đoạn I), Vĩnh Mỹ - Phước Long (giai đoạn I), đường Thuận Hoà - Xiêm Cán, , đường Thống Nhất II, cầu Vườn Chim, cầu Ninh Quới, cầu Định Thành, cầu Ngan Dừa, cầu Hòa Bình, cầu Đen, cầu treo Trà Kha, cầu treo Ninh Quới, cầu treo Ngã ba Khâu, cầu treo Vĩnh Mỹ A. . . các tuyến đường ôtô về trung tâm Xã như tuyến: Phước Long - Ninh Qưới – Ngan Dừa – Vĩnh Lộc, Định Thành – An Trạch - An Phúc, Hoà Bình - Vĩnh Hậu, Quốc lộ 1A – Châu Thới – Phủ Thờ Bác, Hộ Phòng – Chủ Chí, Hoà Bình - Minh Diệu,. . . .
* Đang tích cực triển khai thi công xây dựng một số công trình khác như:
Nâng cấp mở rộng tuyến Giá Rai – Gành Hào và Vĩnh Mỹ - Phước Long, Cầu Sập - Ninh Qưới, xây dựng các đường ôtô về trung tâm Xã còn lại như: các tuyến Giá Rai - Phó Sinh, Giồng Nhãn - Gò Cát, Lộc Ninh – Ninh Thạnh Lợi, An Phúc – Gành Hào, cầu Định Thành A,. . .; cũng như đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư một số công trình lớn như: Cảng biển Gành Hào, tuyến Hộ Phòng – Gành Hào, tuyến Xóm Lung - Cái Cùng, cầu Giá Rai mới, cầu Xóm Lung, cầu Bạc Liêu 4, Bạc Liêu 5, cầu Hiệp Thành, cầu Chủ Chí, tuyến Vành đai thành phố Bạc Liêu, tuyến Bạc Liêu – Hưng Thành, tuyến bờ Tây kinh Láng Trâm,. . . .
* Trong thời gian này, Bộ GTVT cũng triển khai thi công các công trình giao thông trên địa bàn Tỉnh như:
Nâng cấp, mở rộng QLIA (đoạn Cần Thơ - Cà Mau – Năm Căn), trong đó đầu tư mới 2 tuyến tránh QLIA (qua Tp.Bạc Liêu dài 4,3km và đoạn qua thị trấn Hộ Phòng dài 3km); xây dựng mới tuyến Nam Sông Hậu qua Bạc Liêu dài 13km; tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp qua Bạc Liêu dài 52 km và Bộ GTVT cũng đầu tư cho Bạc Liêu cầu Phước Long 2 và cầu Phó Sinh 2 bắc qua kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp.
b/. Về công tác giao thông nông thôn:
Trong thời gian từ năm 1997-2011 tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng được 2.440km đường GTNT. Xây dựng 5.401 cây cầu các loại, dài 61.875m (trong đó cầu cơ bản và bán cơ bản là 3.212 cây). Tổng vốn đầu tư GTNT là: 942,58 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách huyện 431 tỷ (chiếm 45,8%), vốn huy động sức dân 334tỷ (chiếm 35,5%), vốn khác 176 tỷ (chiếm 18,7%).
Đạt 100% (7/7) Huyện, thành phố có đường ôtô đến trung tâm.
Đã thông xe được 35/50 Xã (đạt 70%) đường ôtô đến trung tâm Xã.
Đường GTNT Ấp liền Ấp, có 472/472 ấp (đạt 100%) có đường cho xe 2 bánh đi lại cả hai mùa mưa nắng.
c/. Về vận tải:
Chủ trương xã hội hóa trong vận tải, nên việc chuyển hàng hóa và phục vụ đi lại cho người dân ngày được nâng cao về số lượng và chất lượng, các phương tiện và cung cách phục vụ luôn được các doanh nghiệp vận tải đổi mới. Loại hình xe buýt trong Tỉnh đã được triển khai, với chủ trương không trợ cước, trợ giá mà áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu, giảm 50% cho 7 năm tiếp theo, đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực tham gia, góp phần phục vụ đi lại của người dân được thuận tiện, thay thế hoàn toàn loại hình xe lôi máy trước đây. Ban quản lý Bến xe - tàu đã từng bước ổn định và phát triển, họat động có lãi và nộp được thuế, đời sống người lao động được đãm bảo.
d/. Về quản lý phương tiện & người lái:
Nhu cầu thi giấy phép lái xe (GPLX), đặc biệt là GPLX mô tô (hạng A1) rất lớn. Công tác sát hạch, cấp đổi GPLX luôn được quan tâm và kịp thời chấn chỉnh. Trong giai đoạn này đã cấp GPLX, tàu như sau:
- Xe ôtô: 10.421 lượt người.
- Xe môtô: 163.696 lượt người.
- Thuyền máy trưởng phương tiện đường thủy nội địa: 900 bằng .
đ/. Về thi đua, khen thưởng 1997 - 2010:
- Năm 2006, Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc cho Tỉnh Bạc Liêu về thành tích 10 năm xây dựng và phát triển hệ thống GTNT Bạc Liêu;
- Chính phủ tặng 05 Cờ thi đua xuất sắc cho Sở GTVT Bạc Liêu và các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai;
- Năm 1997, Công ty Bến xe, tàu Bạc Liêu được tặng Huân chương lao động hạng III;
- Năm 2000, Công ty Công trình Giao thông Bạc Liêu được tặng Huân chương lao động hạng III;
- Thủ tướng Chính phủ đã tặng “Cờ thi đua về phong trào phát triển giao thông – miền núi” cho nhân dân và cán bộ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu;
- Bộ GTVT tặng 13 cờ thi đua xuất sắc về GTNT cho các huyện (Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Đông Hải,…) và 13 Bằng khen cho các xã (Phong Thạnh Nam, Ninh Thạnh Lợi, Ninh Quới, Phong Tân, Long Điền…);
- Bộ GTVT tặng thưởng 55 “Huy chương Vì sự nghiệp giao thông”; Tặng thưởng cho 42 cá nhân “Kỷ niệm Chương Vì sự nghiệp Giao thông” (tương đương Huy chương Vì sự nghiệp Giao thông). Bộ GTVT cũng đã tặng danh hiệu “Chiến Sỹ Thi Đua” cho 25 CBCNV trong Ngành GTVT Bạc Liêu trong giai đoạn 2001-2003. Có 08 đồng chí được tặng Huy chương Hữu nghị của Nhà nước Lào;
- Chủ tịch UBND tỉnh tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh cho 57 cán bộ, nhân viên trong ngành.
- Chủ tịch UBND tỉnh tặng 09 Cờ thi đua xuất sắc cho Ngành và các đơn vị.
- Hiện Ngành GTVT Bạc Liêu được UBND Tỉnh đề nghị Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng III” vì những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và công tác, từ 1997 đến nay.
Sau 15 năm tỉnh Bạc Liêu được tái lập, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, được sự hổ trợ tích cực của Bộ GTVT và trung ương, Ngành GTVT đã có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và phát triển các loại hình vận tải đường bộ. Bộ máy tổ chức Ngành đã dần dần ổn định. Lực lượng cán bộ KHKT trẻ trong Ngành phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác quản lý Ngành luôn được củng cố và ngày càng phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong Tỉnh.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GTVT TỈNH BẠC LIÊU
GIAI ĐOẠN 2010 – 2020 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, phát triển GTVT được định hướng theo các nhiệm vụ chính như sau:
1. Phối hợp Bộ GTVT và các cơ quan Trung ương thực hiện:
- Hoàn thành 04 tuyến quốc lộ đi qua Bạc Liêu gồm: QL1A dài 63km (trong đó xây dựng hai đoạn tránh qua thành phố Bạc Liêu và qua thị trấn Hộ Phòng); Tuyến Nam Sông Hậu dài 13km; tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp dài 52km (kể cả cầu Phước Long 2 và cầu Phó Sinh 2 bắc qua kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp); đường Hồ Chí Minh qua Bạc Liêu gần 6km.
- Triển khai 2 tuyến Quốc lộ trục ngang:
+ Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - đường Hồ Chí Minh (Kiên Giang)
+ Hộ Phòng – Chủ Chí – Đường HCM tại Chợ Hội (Cà Mau)
- Triển khai tuyến đường cao tốc Bạc Liêu – Hà Tiên (Kiên Giang).
2. Điều chỉnh quy hoạch giao thông phù hợp với giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long và mạng lưới Quốc gia;
3. Tiến hành xây dựng mở rộng, nâng cấp hệ thống đường bộ giai đoạn II của quy hoạch phát triển GTVT đến năm 2020 định hướng 2030. Đầu tư các tuyến đường bộ kết nối với các Tỉnh xung quanh và các Quốc lộ. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị theo hướng hiện đại;
4. Nâng cấp, mở rộng theo đúng cấp quy hoạch các tuyến dường Tỉnh.
4. Phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành 100% xã, thị trấn có đường ôtô đến trung tâm Xã theo quy hoạch;
5. Đến 2030 đạt 40% ấp có đường GTNT ấp liền ấp cho xe 4 bánh đi lại;
6. Thay toàn bộ cầu gỗ trên các tuyến đường GTNT bằng cầu cơ bản hoặc bán cơ bản (cầu bêtông cốt thép hoặc cầu thép);
7. Hoàn thành nâng cấp cải tạo Bến xe Bạc Liêu và các bến xe, tàu tại các huyện và khu đô thị theo quy hoạch đúng tiêu chuẩn quy định;
8. Xây dựng cảng Biển Gành Hào (được Chính phủ quy hoạch là Cảng biển quốc gia) và xây dựng các cảng sông theo quy hoạch;